1/ Đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra, virus này là một loại orthopoxvirus có liên quan về cấu trúc với vi rút đậu mùa. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.
(Hình ảnh: Đậu mùa khỉ trên cơ thể trẻ em)
2/ Sự lây nhiễm của đậu mùa khỉ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm 2022 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (xem WHO: Monkeypox Outbreak 2022).
Theo WHO, kể từ tháng 5 năm 2022, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở khoảng 70 quốc gia – mà ở những nơi này, đậu mùa khỉ không có dịch bệnh đang phát:
- Phần lớn các ca bệnh có chẩn đoán xác định ở các quốc gia không có dịch bệnh lưu hành là ở Châu Âu và Bắc Mỹ (xem Centers for Disease Control and Prevention [CDC]: 2022 Monkeypox Outbreak Global Map).
- Hơn 3500 trường hợp đã được báo cáo ở Hoa Kỳ tính đến tháng 7 năm 2022 (xem CDC: 2022 US Map & Case Count).
- Tất cả các ca bệnh liên quan đến đợt bùng phát toàn cầu năm 2022 đều là biến chủng ở Tây Phi.
- Các ca bệnh đã được báo cáo chủ yếu ở nam giới có quan hệ tình dục với nam giới, nhưng bệnh đậu mùa khỉ cần phải được cân nhắc đến ở bất kỳ ai có biểu hiện phát ban giống với bệnh đậu mùa khỉ.
Sự lây truyền của đậu mùa khỉ:
– Lây nhiễm từ động vật sang người:
Trong quá trình lây truyền từ động vật sang người, bệnh đậu mùa khỉ có lẽ là đã lây truyền qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc các giọt bắn ở đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết của vết thương. Điều này có thể xảy ra qua vết cắn hoặc vết xước của động vật hoặc qua việc sơ chế và tiêu thụ thịt động vật bị nhiễm bệnh.
(Hình ảnh: Đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người)
– Lây nhiễm từ người sang người:
- Quá trình lây truyền từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc gần và lâu.
- Các con đường lây truyền bao gồm các giọt bắn ở đường hô hấp khi tiếp xúc trực diện hoặc tiếp xúc thân thể thân mật kéo dài, tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương do lây nhiễm hoặc với các loại dịch khác của cơ thể và đồ vật truyền bệnh qua tiếp xúc với quần áo hoặc đồ vải bị nhiễm vảy ở tổn thương hoặc dịch cơ thể.
- Quá trình lây truyền từ mẹ sang thai nhi có thể xảy ra qua nhau thai. Hiện vẫn chưa rõ liệu tình trạng lây truyền có thể xảy ra qua tinh dịch hoặc qua dịch âm đạo hay không.
- Đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm cao cho tất cả các đối tượng, kể cả người đang có bầu, trẻ em, người lớn, và không loại trừ người đã từng bị mắc bệnh đậu mùa trước đây.
3/ Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người sang người như thế nào?
-
- Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Chúng ta vẫn chưa xác định được người bệnh có thể lây truyền bệnh trong bao lâu, nhưng nói chung, người bệnh được coi là vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác cho tới khi tất cả các vết thương đã đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới.
- Môi trường sống có thể bị nhiễm vi rút bệnh đậu mùa khỉ.
>> Ví dụ, khi một người mang mầm bệnh đậu mùa khỉ sờ, hay chạm vào quần áo, ga, gối, khăn mặt, các đồ vật, dụng cụ ăn như bát/đĩa, xoong chảo, đồ điện tử hoặc các bề mặt. Khi người khác chạm vào các đồ vật này thì họ sẽ bị nhiễm bệnh.
Chúng ta cũng có thể bị nhiễm bệnh do hít phải vảy da hoặc vi rút từ quần áo, ga gối hoặc khăn mặt. Cơ chế này gọi là lây truyền qua vật trung gian (fomite). - Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là vi rút có thể phát tán qua tiếp xúc trực tiếp với miệng, giọt bắn hô hấp và có thể qua hạt bụi khí (aerosol) phạm vi gần. Chúng ta vẫn chưa hiểu hết cơ chế lây truyền qua không khí của bệnh đậu mùa khỉ, và vẫn cần nghiên cứu thêm.
- Vi rút cũng có thể làm lây bệnh từ người mang thai sang thai nhi, sau sinh qua tiếp xúc da với da, hoặc từ cha mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần.
- Mặc dù đã ghi nhận các ca bệnh không triệu chứng nhưng chúng ta vẫn chưa rõ liệu người bệnh không triệu chứng có làm lây bệnh hay không, hay bệnh có thể lây truyền qua các loại dịch khác của cơ thể hay không.
Các mẫu DNA từ vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ đã được tìm thấy trong tinh dịch nhưng chúng ta vẫn chưa biết bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hay máu không. Hiện các nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu xem bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua việc trao đổi dịch thể*** trong và sau khi nhiễm bệnh có triệu chứng hay không.
***Trong đợt bùng phát năm 2022, nhiều ca bệnh xảy ra do lây truyền khi quan hệ tình dục hoặc quan hệ thân mật, nhưng tình trạng này có thể do tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương do lây nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở đường hô hấp.
(Hình ảnh: Mẫu nghiệm chứa đậu mùa khỉ)
4/ Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ
– Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần nhưng có thể lâu nhất là 3 tuần.
– Những người có khả năng lây nhiễm từ khi các triệu chứng bắt đầu, cho đến khi tất cả các tổn thương đóng vảy và tróc vảy để lộ ra làn da khỏe mạnh. Quá trình này thường mất từ 2 đến 4 tuần.
Các giai đoạn phát bệnh cụ thể của đậu mùa khỉ:
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 – 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
- Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 – 3 ngày, với tính chất sau:
- Vị trí: Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
- Tiến triển ban: Tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) ⇢ sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) ⇢ mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) ⇢ mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) ⇢ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.
- Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 – 1cm.
- Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
- Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
5/ Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ
– Về mặt lâm sàng, bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa. Sau tiền triệu sốt, nhức đầu và khó chịu là phát ban tiến triển từ dạng dát và dạng sẩn sang dạng mụn nước hoặc mụn mủ chắc, nằm sâu, lõm xuống, đóng vảy và rụng theo thời gian. Có nổi hạch bạch huyết ở bệnh đậu mùa khỉ nhưng không có ở bệnh đậu mùa.
Tuy nhiên, các biểu hiện lâm sàng không điển hình đã được báo cáo trong đợt bùng phát toàn cầu năm 2022; do đó, chẩn đoán có thể bị muộn.
– Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.
Trong đợt bùng phát năm 2022, các đốm phát ban thường được báo cáo là bắt đầu ở vùng sinh dục, quanh hậu môn hoặc vùng miệng và không phải lúc nào cũng lan tỏa hoặc tiến triển qua các giai đoạn điển hình. Đau tại các vị trí tổn thương, cụ thể là viêm trực tràng hoặc đau miệng, có thể là triệu chứng hiện tại.
Các triệu chứng tiền triệu toàn thân cũng có thể nhẹ, không có hoặc xuất hiện đồng thời với phát ban. Nhiễm khuẩn thứ phát ở da và phổi có thể xảy ra.
Do các biểu hiện đầu tiên của đậu mùa khỉ có thể bắt đầu nhiễm khuẩn từ vùng sinh dục và hậu môn, vì vậy đậu mùa khỉ có thể bị nhầm lẫn với bệnh herpes. Có thể khó phân biệt trên lâm sàng giữa bệnh đậu mùa khỉ với bệnh đậu mùa và vi rút herpes như là bệnh thủy đậu hoặc vi rút herpes simplex (HSV). Ngoài ra, người bị nhiễm đậu mùa khỉ vẫn có thể bị đồng nhiễm đồng thời với herpes hoặc một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác (STDs).
6/ Điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Hầu hết bệnh nhân bị bệnh đậu khỉ đều có biểu hiện bệnh nhẹ, tự khỏi. Điều này đặc biệt đúng đối với biến chủng Tây Phi là nguyên nhân gây đợt bùng phát toàn cầu hiện nay. Điều trị hỗ trợ bằng thuốc giảm đau, truyền nước và chăm sóc vết thương.
Những bệnh nhân bị bệnh nặng, có các biến chứng hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng cần phải được xem xét điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Việc này bao gồm những bệnh nhân có tổn thương xuất huyết hoặc tổn thương hợp nhất, có thương tổn niêm mạc hoặc tổn thương ở bộ phận sinh dục, hoặc các biến chứng khác cần phải nằm viện; bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân là trẻ em, bệnh nhân mang thai hoặc cho con bú; và những bệnh nhân có tình trạng da đang bị tróc vảy.
Các phương án điều trị chỉ là tạm thời, hiện chưa có phương phương pháp điều trị an toàn nào đã được chứng minh đối với nhiễm vi rút đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, có các phương án điều trị sau:
- Thuốc kháng vi rút, tecovirimat: Được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ [FDA] phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa – có dưới dạng công thức bào chế đường uống và đường tĩnh mạch. Phương án này được CDC thông qua đề cương Nghiên cứu thuốc mới (IND) dùng tiếp cận khẩn cấp để điều trị sớm hoặc điều trị theo kinh nghiệm ở giai đoạn đầu đối với bệnh đậu mùa khỉ ở mọi lứa tuổi; Phương án này được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ ở Liên minh Châu Âu.
- Thuốc kháng vi rút cidofovir hoặc brincidofovir (CMX001)
- Globulin miễn dịch vaccinia (VIG)
Tất cả các loại thuốc này đều có hoạt tính chống lại bệnh đậu mùa khỉ trong ống nghiệm và các mô hình thử nghiệm, tuy nhiên có rất ít dữ liệu hướng dẫn việc lựa chọn phương pháp điều trị; có báo cáo về một loạt ca bệnh gồm 7 bệnh nhân sử dụng tecovirimat và brincidofovir. Tecovirimat đang được sử dụng trong một số hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ trong đợt bùng phát năm 2022. (Xem thêm tài liệu tham khảo CDC: Information for Healthcare Providers on Obtaining and Using TPOXX [Tecovirimat] for Treatment of Monkeypox và CDC: Monkeypox: Treatment Information for Healthcare Professionals.)
7/ Các cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
7.1. Giữ vệ sinh
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc sử dụng nước rửa tay có cồn
- Trao đổi với đối tác về vấn đề sức khỏe và nếu họ có bất kỳ triệu chứng nào bất thường ở khu vực hậu môn, bẹn,,..
- Tìm hiểu và ghi nhớ các triệu chứng đặc trưng của đậu mùa khỉ để đề phòng và giáo dục những người xung quanh cùng phòng tránh.
- Không va chạm, tiếp xúc với đối tác, và những người xung quanh nếu bạn có triệu chứng của đậu mùa khỉ cho đến khi bạn được khám, xét nghiệm và đảm bảo rằng bạn không có bệnh/hoặc đã hết bệnh hoàn toàn.
Tuyệt đối:
- Không sử dụng chung khăn tắm, khăn lau mặt, khăn cá nhân với người bị bệnh.
- Không tiếp xúc gần với người bị đậu mùa khỉ.
- Không đến gần động vật hoang dã, động vật đi lạc, kể cả động vật có dấu hiệu không khỏe hoặc đã chết nếu bạn đi du lịch ở tây và trung Phi.
- Không ăn hoặc chạm vào thịt động vật hoang dã khi đi du lịch ở Tây và Trung Phi.
7.2. Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Vắc xin phòng đậu mùa JYNNEOS đã được FDA cấp phép vào năm 2019 để phòng ngừa cả bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa dựa trên dữ liệu về khả năng sinh miễn dịch và dữ liệu về hiệu quả từ các nghiên cứu trên động vật.
Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) khuyến nghị những người có nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp với các loại vi rút orthopoxvirus nên tiêm vắc xin JYNNEOS hoặc ACAM2000 để bảo vệ khỏi bị nhiễm bệnh (xem CDC: Monkeypox and Smallpox Vaccine Guidance).
JYNNEOS cũng có thể được cung cấp cho những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm trong xã hội với bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh có các đợt bùng phát ở địa phương.
Dữ liệu quan sát trước đây từ Châu Phi cho thấy rằng vắc xin phòng đậu mùa có hiệu quả ít nhất là 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, do vi rút đậu mùa khỉ có liên quan chặt chẽ với vi rút gây bệnh đậu mùa (1). Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin phòng đậu mùa trước không phải lúc nào cũng mang lại khả năng miễn dịch suốt đời nhưng có khả năng làm giảm mức độ nặng của bệnh.
(Hình ảnh: Vacxin đậu mùa và đậu mùa khỉ JYNNEOS)
7.3. Kiểm soát lây nhiễm đậu mùa khỉ
Bệnh nhân đậu mùa khỉ không nhập viện cần phải:
- Cách ly y tế tại nhà cho đến khi các tổn thương đã khỏi, vảy bong ra và một lớp da nguyên vẹn tươi mới đã hình thành
- Tránh tiếp xúc thân thể trực tiếp với người và động vật khác
- Không dùng chung các vật dụng có khả năng bị nhiễm bẩn, chẳng hạn như các đồ vải, khăn tắm, quần áo, ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống, đồng thời phải làm sạch và khử trùng các bề mặt và vật dụng thường hay chạm vào
- Đeo khẩu trang nếu cần tiếp xúc gần với những người khác trong nhà
Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm cần làm:
- Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện bao gồm cho bệnh nhân vào phòng riêng có đóng cửa. Không cần xử lý đặc biệt đối với không khí trừ khi việc điều trị có khả năng lây lan dịch tiết ở miệng như: đặt nội khí quản, rút nội khí quản.
- Cần tránh các hoạt động có thể khiến cho chất thải khô phát tán vào không khí hoặc trên các bề mặt (ví dụ: sử dụng quạt, vung vẩy đồ vải bẩn có chứa virus).
- Thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) thích hợp bao gồm áo choàng, găng tay, khẩu trang cấp độ N95 (hoặc tương đương) và kính bảo vệ mắt.
- Các chất khử trùng cấp độ sử dụng tại bệnh viện (đã đăng ký với EPA có xác nhận về tác dụng với mầm bệnh vi rút mới xuất hiện) cần phải được sử dụng để khử trùng nơi có mầm bệnh/virus theo tiêu chuẩn.
- Đối với bệnh nhân thuộc biến chủng Tây Phi, chất thải có thể được xử lý theo hướng dẫn thông thường đối với chất thải y tế lây nhiễm.
- Đối với những bệnh nhân có biến thể Lưu vực Công-gô, chất thải y tế được phân loại là Loại A theo Quy định về Chất thải Nguy hiểm của Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (DOT) và cần phải được kiểm soát phù hợp (xem CDC: Infection Prevention and Control of Monkeypox in Healthcare Settings).
- Tất cả các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ cần phải theo dõi các triệu chứng ít nhất hai lần mỗi ngày trong 21 ngày kể từ lần cuối cùng gặp phải ca bệnh của họ.
Những người có nguy cơ phơi nhiễm cao (xem CDC: Monitoring People Who Have Been Exposed) cần phải được cho dùng các biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm bằng cách tiêm vắc-xin JYNNEOS hoặc ACAM2000. Việc tiêm vắc xin lý tưởng là cần phải được thực hiện trong vòng 4 ngày kể từ khi phơi nhiễm nhưng có thể có hiệu quả lên đến 14 ngày sau khi phơi nhiễm (xem CDC: Monkeypox and Smallpox Vaccine Guidance).
8/ Câu hỏi thường gặp đối với bệnh đậu mùa khỉ:
Câu hỏi: Ở chung nhà với người bị đậu mùa khỉ có lây không?
Trả lời: Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Người bệnh được coi là vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác cho tới khi tất cả các vết thương đã đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới. Vì vậy nếu ở chung với người bị đậu mùa khỉ, nếu bạn không thực hiện biện pháp cách ly và vệ sinh, bạn hoàn toàn có khả năng bị lây bệnh.
Câu hỏi: Người đang mang bầu có khả năng bị lây đậu mùa khỉ hay không?
Trả lời: Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.
Đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm cao cho tất cả các đối tượng, kể cả người đang có bầu, trẻ em, người lớn, và không loại trừ người đã từng bị mắc bệnh đậu mùa trước đây.
Câu hỏi: Người đang mang bầu bị đậu mùa khỉ có khả năng lây bệnh cho con không?
Trả lời: Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ. Các mẫu DNA từ vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ đã được tìm thấy trong tinh dịch nhưng hiện tại, ta vẫn chưa biết bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hay máu không. Quá trình lây truyền từ mẹ sang thai nhi có thể xảy ra qua thông qua nhau thai.
—
Bài viết được tổng hợp và dịch từ các nguồn:
- CDC*: Monkeypox Signs and Symptoms
- CDC*: Bệnh đậu mùa khỉ và Tình dục An toàn hơn
- CDC*: Hướng dẫn dành cho bệnh nhân điều trị bệnh đậu mùa khỉ bằng TPOXX
- WHO**: Xem tại đây
- MDS Manual***: Bệnh đậu mùa khỉ
- NHS****: Monkeypox
- CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ: Các đường lây bệnh đậu mùa khỉ từ người sang người
*Chú thích:
– WHO* – Tổ chức y tế thế giới
– CDC** – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ)
– MDS Manual*** Cẩm nang y khoa được hợp tác, và viết bởi hàng trăm chuyên gia y tế trên toàn thế giới.
– NHS: Dịch vụ y tế quốc gia (UK)
——————————–
Xem thêm các bài viết khác:
– SYNATURA SYRUP – SIRO TRỊ HO THẢO DƯỢC ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ | THÀNH PHẦN 100% TỪ THIÊN NHIÊN
– 3 MẸO TRỊ HO LÂU NGÀY TẠI NHÀ BẰNG CÁC LOẠI THUỐC DÂN GIAN CỰC HIỆU QUẢ
– 4 BỆNH HÔ HẤP THƯỜNG GẶP KHI THỜI TIẾT CHUYỂN LẠNH
– VIÊM PHẾ QUẢN LÀ GÌ? 4 NGUYÊN NHÂN CHÍNH VÀ TRIỆU CHỨNG? VIÊM PHẾ QUẢN CÓ LÂY KHÔNG?