Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.
Tháng 11 là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, khu vực phía Nam mưa nắng bất chợt trong khi phía Bắc bắt đầu xuất hiện những cơn gió lạnh kèm theo tiết trời hanh khô là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh liên quan đường hô hấp như: Cảm cúm, viêm mũi dị ứng, sởi, chân tay miệng, viêm đường hô hấp hay trở nặng các bệnh mạn tính…
Vào mùa này, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày đêm nhiều người không chủ quan, mặc quần áo đủ ấm dễ bị nhiễm lạnh.
I. Nguyên nhân viêm phổi, cảm cúm, cảm lạnh, và các bệnh liên quan đường hô hấp
Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp cấp tính trên có thể do virus, vi khuẩn và các tác nhân khác.
Bệnh hô hấp do virus thường diễn tiến từ 5-7 ngày, sau đó sẽ giảm dần rồi hết. Nếu sau thời gian này bệnh không đỡ mà người bệnh nặng hơn như thay đổi màu sắc dịch ở họng, mũi….. có thể bệnh nhân đã bị bội nhiễm vi khuẩn.
Biến chứng của viêm đường hô hấp trên xuất hiện ở những cơ quan lân cận như tai, họng, thanh quản, nổi hạch… biến chứng xa hơn là viêm phổi.
II. Phân biệt các bệnh đường hô hấp gây ho
1. Ho do bị cảm lạnh
Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus, riêng virus này lại có tới hơn 100 chủng khác khác nhau. Các loại virus khác cũng gây cảm lạnh có thể kể đến là: Enterovirus, Coronavirus…
Với bệnh cảm lạnh thông thường, chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang). Người bệnh thường sẽ ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể mệt mỏi và hơi gai lạnh.
Người bệnh ho nhiều thường có đờm, đờm loãng, màu trắng và dễ khạc nhổ.
Các biểu hiệu của chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, khoảng 5 ngày nhưng làm cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi vì vậy bạn sẽ thấy cơ thể mệt mỏi. Bệnh sẽ tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày.
Người bệnh ho nhiều hơn vào ban đêm và khi thời tiết ấm hơn sẽ bớt ho. Ở một số trường hợp ho hoặc thở khò khè do cảm lạnh thường nhẹ hơn và không gây khó thở.
<Trà gừng giúp làm ấm cổ họng, giảm ho>
2. Ho do bị cảm cúm
Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm. Thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra.
Triệu chứng điển hình ở người mắc bệnh cúm:
- Sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi.
- Viêm họng.
- Ho khan.
- Đau đầu.
- Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
- Mệt mỏi và suy nhược.
Hội chứng đau là một dấu hiệu khá nổi bật của cúm, giúp phân biệt với cảm lạnh thông thường. Trẻ em bị cúm thường bị đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức khắp mình mẩy. Trẻ nhỏ chưa biết nói thường chỉ thể hiện ra là quấy khóc, kích thích nhiều.
Nếu chỉ quan sát triệu chứng, rất khó để phân biệt được cảm cúm và cảm lạnh.
Các triệu chứng của cảm cúm thường kéo dài và đi kèm với sốt, run rẩy và đau cơ.
Triệu chứng cảm lạnh thường ngắn hơn và chỉ đi kèm với tình trạng chảy nước mũi và sốt nhẹ.
Trong hầu hết các trường hợp, những người bị cảm cúm sẽ khỏi bệnh trong 5-7 ngày. Quan trọng là cần nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước.
Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh và chủ yếu là lây qua đường hô hấp, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Có nhiều chủng virus cúm có thể gây bệnh từ nhẹ, hoặc thành đại dịch, một số chủng có độc tính cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Cảm cúm gặp ở mọi đối tượng nhưng người già, trẻ em và phụ nữ mang thai nếu mắc cúm dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi và những bất thường cho sản phụ, thai nhi.
Chính vì vậy người bệnh cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực ngay từ đầu tránh các biến chứng nguy hiểm trên.
3. Bệnh viêm phổi:
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, thường xuất hiện nhiều hơn ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp nhất là nhiễm trùng vi khuẩn, có thể sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp trên, lúc này virus làm tổn thương niêm mạc đường dẫn khí hô hấp làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi.
Triệu chứng điển hình của viêm phổi là ho có đờm và đau ngực khi ho. Ho thường diễn ra kèm theo có tình trạng sốt, nhưng ở người cao tuổi thường diễn ra âm thầm khó phân biệt.
Đối với trẻ em, hầu hết trẻ sốt chủ yếu là trên 38 độ C và kéo dài thời gian sốt, dù cho đã uống thuốc hạ sốt và lặp đi lặp lại.
Trong quá trình bị viêm phổi, ngoài ho, sốt người bệnh sẽ bị khó thở, mệt mỏi, có thể bị sụt cân nhiều do chán ăn, ăn không ngon, tức ngực. Hầu hết trẻ em bị viêm phổi, triệu chứng ho kèm với thở khò khè nặng, nghiêm trọng hơn có thể gây khó thở.
Riêng đối với bệnh viêm phổi cấp thì người bệnh ho nhiều, khạc đờm có màu vàng, sốt cao, đau ngực nhiều và cơn đau tăng lên khi ho và hít thở sâu.
Với bệnh viêm phổi mạn tính thì bệnh diễn biến từ từ.
Bệnh viêm phổi mạn tính thường xảy ra ở người mắc các bệnh ở đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần và điểm khác biệt nữa trong bệnh viêm phổi mạn tính là người bệnh có thể ho kèm theo sốt nhẹ, nhưng nhiều trường hợp sốt rất nhẹ nên dễ bị bỏ qua.
III. Phòng bệnh đường hô hấp
Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh gây ra bởi virus nên không có thuốc đặc trị, chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng hạ sốt, giảm ho, long đờm, kiêng ăn thực phẩm chứa nhiều tinh bột, sữa, nâng cao thể lực, sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi.
Để phòng bệnh chung cho cả cảm lạnh thông thường và cúm mùa thì trước tiên cần phải nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng: nên ăn uống đủ chất, tăng cường các loại rau, hoa quả chứa nhiều vitamin C, uống đủ nước.
Người bệnh cần điều trị ngay nếu không may có biến chứng như trên xảy ra như sử dụng thuốc hạ sốt, giảm ho, long đờm.
Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghi ngờ mắc cảm cúm, đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh như người lớn tuổi, trẻ sơ sinh hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Người bị viêm phổi cần nên cẩn trọng trong việc sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày như:
- Không hút thuốc lá và không đến những khu vực có thuốc lá.
- Tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích mũi, họng, và phổi như bụi, lông vật nuôi.
- Nếu người bệnh bị mệt mỏi, cảm lạnh, hãy nghỉ ngơi thật nhiều.
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng lành mạnh.
- Uống nhiều nước, bổ sung nước khoáng và bù điện giải.
- Cắt giảm nước, thực phẩm lạnh. Chỉ ăn nóng, uống nước ấm hoặc nguội.
- Thường xuyên vệ sinh tay, súc miệng và rửa mũi bằng nước muối.
- Không dùng chung đồ ăn, ly cốc, hoặc các dụng cụ ăn uống.
Các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản khá tương đồng và rất dễ nhầm lẫn với nhau. Dựa vào những triệu chứng trên, người bệnh hãy phân biệt sớm và đi khám để được chỉ định điều trị khi cần thiết.
***Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.
—






*(Đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: người sử dụng cần phải đến bác sĩ để được tư vấn, không dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ.)

