Dựa trên biểu hiện lâm sàng của từng triệu chứng ho mà ta chia thành 2 loại: Ho khan và ho có đờm. Các phụ huynh cần lưu ý rằng: Tùy vào từng trường hợp mà nguyên nhân, biện pháp xử lý triệu chứng ho ở trẻ sẽ khác nhau
1. Ho khan:
Ho khan là ho không có đờm nhầy, làm kích thích cổ họng và có thể gây nhột hoặc đau rát ở cổ họng. Trong trường hợp xấu đi, ho khan có thể kéo dài lâu ngày không khỏi kèm theo các triệu chứng sưng, đau rát họng, khàn giọng.
Ho khan ở trẻ bắt nguồn từ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (vùng mũi và cổ họng) như cảm lạnh, cảm cúm. Ngoài ra, ho khan cũng được xem là triệu chứng sớm của một vài bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Nếu bé thường xuyên tiếp xúc khói thuốc lá từ người lớn cũng sẽ dẫn đến tình trạng ho khan.
Điều đáng lưu ý nếu ho khan ở trẻ không được điều trị sớm, sẽ dễ dẫn đến ho gà, các cơn ho ngày một tăng và nặng hơn vào ban đêm. Tình trạng ho gà sẽ khiến bé khó thở và mất ngủ trầm trọng.
2. Ho có đờm:
Ho có đờm là hiện tượng ho đi kèm với chất dịch nhầy (đờm nhầy ít hoặc nhiều, lỏng hoặc sánh đặc) bị tống xuất ra khỏi đường hô hấp và đi theo con đường mũi, miệng. Tùy theo thời gian ho có kéo dài hay không, mà bệnh sẽ được chẩn đoán là bệnh cấp tính hay bệnh mạn tính, và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Có rất nhiều bệnh dẫn đến ho có đờm như: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, hen suyễn, cảm cúm nặng, dị ứng một vài yếu tố trong môi trường (phấn hoa, khói bụi…).
Khi ho có đờm, trẻ sẽ cảm thấy nặng ở ngực, thường xuyên mệt mỏi và màu đờm sẽ khác nhau tùy vào tình trạng của bệnh, chủ yếu chất nhầy có màu trắng, vàng, hoặc xanh đục.
Như vậy, ho được chia làm 2 loại chính: Ho khan và ho có đờm. Các bậc phụ huynh nên lưu ý khi thấy trẻ có biểu hiện ho cần điều trị sớm, để không dẫn đến tình trạng ho trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ nhỏ.