Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là vào thời điểm giao mùa như hiện nay. Một năm trẻ có thể bị ho từ 4-12 lần trong năm vì những nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp, ho chỉ là phản ứng kích ứng của cơ thể với sự thay đổi của môi trường, nhưng đôi khi lại là triệu chứng của một bệnh lý hô hấp nghiêm trọng. Khi trẻ bị ho có nên tự mua thuốc cho trẻ uống, có nên áp dụng các phương pháp dân gian và có nên kiêng ăn cho bé,…Hãy cùng tìm hiều 6 sai lầm phổ biến khi điều trị ho cho trẻ nhé!
1. Tự làm bác sĩ, tự mua thuốc kháng sinh cho con uống
Thấy con có biểu hiện ho, nhiều mẹ không cần theo dõi, không thăm khám đã tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh về cho con uống với suy nghĩ thuốc kháng sinh là “chìa khóa vạn năng” chữa mọi bệnh tật. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm vì kháng sinh chỉ có tác dụng đối với ho do nhiễm khuẩn, trong các trường hợp khác kháng sinh là vô ích và còn có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, ói, dị ứng, suy giảm sức khỏe,… Nguy hiểm hơn là tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ, đặt trẻ vào nguy cơ không còn lựa chọn kháng sinh trong tương lai.
2. Dùng lại đơn thuốc cũ
Rất nhiều mẹ có thói quen dùng đơn thuốc cũ chữa bệnh mới cho con vì cứ nghĩ rằng lần trước con bị ho bác sĩ kê thuốc đó là khỏi nên lần này con ho chỉ việc mua loại thuốc lần trước uống là được. Đây là sai lầm nghiêm trọng. Mẹ phải biết rằng, con ho có nhiều nguyên nhân, mặc dù là cùng triệu chứng ho nhưng nó lại là biểu hiện của nhiều loại bệnh đường hô hấp khác nhau như viêm họng, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,… Vậy nên, việc mẹ dùng đơn thuốc cũ điều trị bệnh mới cho con có thể dẫn tới tình trạng dùng thuốc không đúng bệnh, bệnh không những không khỏi mà còn nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
3. Dùng thuốc không đúng liều, không đủ thời gian
Không ít mẹ khi cho con dùng thuốc chữa ho được khoảng 2-3 ngày thấy con không khỏi bệnh là vội vã đổi thuốc khác, đi khám chỗ khác để tìm biện pháp chữa ho nhanh hơn. Các mẹ phải hiểu rằng, chữa bệnh gì cũng cần đủ liều lượng thuốc, đủ thời gian thì bệnh mới khỏi, không có chuyện chỉ uống thuốc vài lần là bệnh sẽ hết. Một thái cực khác là mẹ cho con uống thuốc thấy đỡ ho thì dừng vì sợ con uống nhiều thuốc sẽ hại, gầy còm,… Trong khi đó, thuốc phải đủ liều bệnh mới khỏi dứt điểm, việc dừng giữa chừng sẽ làm bệnh tái phát và gây khó khăn trong việc điều trị lại. Đặc biệt là khi bác sĩ kê kháng sinh cho trẻ, mẹ phải cho con dùng đủ liệu trình theo hướng dẫn của bác sĩ để trẻ không bị kháng thuốc.
4. Dùng mật ong trị ho cho trẻ sơ sinh
Chanh đường phèn và mật ong là bài thuốc dân gian chữa ho cho trẻ hiệu quả được nhiều mẹ áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này hoàn toàn không phù hợp với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi. Mật ong có chứa bào tử Clostridium Botulinum, có khả năng gây ngộ độc do hệ tiêu hóa ở trẻ dưới 12 tháng chưa hoàn thiện, không có khả năng ngăn chặn sự phát triển và sản sinh độc tố.
5. Kiêng tắm, gội
Việc kiêng tắm rửa lâu ngày khi trẻ bị ho còn có thể làm cho trẻ cảm thấy bức bối, cơ thể không được vệ sinh sẽ khiến trẻ dễ bị viêm da, các loại virus có thể sẽ tấn công cơ thể bé.
Theo các chuyên gia sức khỏe, khi con bị ho, bố mẹ vẫn nên tắm cho con hàng ngày để đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro có thể xảy ra, bạn cần lưu ý luôn tắm cho trẻ bằng nước ấm, trong phòng kín gió, nhiệt độ phòng ấm áp, thời gian tắm từ 5-10 phút và phải lau thật khô người cho bé.
6. Kiêng ăn thịt gà, tôm, cua
Khi trẻ bị ho, chế độ ăn uống dành cho trẻ rất quan trọng để mau hồi phục. Cua, tôm, cá, thịt gà,… là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và được nhiều em bé yêu thích. Nhưng đây lại là những món ăn mà dân gian vẫn quan niệm là trẻ cần kiêng khem. Điều này có đúng không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chưa có bất cứ chứng cứ khoa học cho thấy những thực phẩm này khiến trẻ ho nặng hơn. Mặt khác, trẻ bị ho thường biếng ăn nên việc kiêng ăn trong thời gian này là hết sức sai lầm, có thể khiến bé càng ốm nặng hơn vì mất sức đề kháng do thiếu vi chất và năng lượng.
Khi trẻ bị ho, đầu tiên phải chú ý tới dinh dưỡng, bởi ho khiến trẻ biếng ăn, dễ suy dinh dưỡng. Khi suy dinh dưỡng, sức đề kháng suy giảm, ho lại càng nặng lên. Chính vì vậy, thời điểm này, trong khẩu phần ăn cần đảm bảo năng lượng cho trẻ: Cung cấp đủ tinh bột, đạm, chất béo, chế biến thức ăn mềm lỏng. Nên cho trẻ ăn loại đạm quý trong thời điểm này như cho trẻ ăn thịt bò, thịt gà, trứng, sữa.
Khi trẻ bị ho, cha mẹ không cần phải kiêng khem gì cả ngoại trừ trường hợp trẻ có cơ địa dị ứng, phải kiêng theo lời khuyên bác sĩ.