Ho là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Thật thế, theo Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), một em bé dưới 5 tuổi có thể ho từ 5 đến 8 đợt trong một năm dù được chăm sóc và sống trong môi trường tốt. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải đi khám tại các phòng khám. Riêng ở Việt Nam, hàng năm vào những tháng mùa mưa (tháng 8 đến tháng 11) hay khi trời trở lạnh thì ho luôn là mối bận tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ.
Phân loại và nguyên nhân ho ở trẻ em:
Tùy theo thời gian ho, người ta chia làm 2 loại:
- Ho cấp tính: khi trẻ ho dưới 30 ngày. Ở trẻ em nguyên nhân hàng đầu là nhiễm trùng hô hấp.
- Ho kéo dài: khi trẻ ho trên 30 ngày. Ở trẻ em, nguyên nhân hàng đầu là ho gà, hen suyễn, lao và có khi cả do dị vật đường thở bỏ quên.
Đối với nhiễm trùng hô hấp cấp tính, người ta lại phân chia thành 2 nhóm chính:
- Viêm hô hấp trên (bao gồm viêm họng, viêm mũi, viêm tai). Phần lớn các trường hợp viêm hô hấp trên này là do virus (80%), nhẹ, không cần dùng kháng sinh, tự khỏi trong vòng 10 ngày nếu trẻ được chăm sóc tốt.
- Viêm hô hấp dưới (bao gồm viêm thanh khí – quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và đặc biệt là viêm phổi). Nhóm bệnh này có khả năng diễn tiến nặng, cần được chăm sóc và điều trị đúng mức để tránh biến chứng, thậm chí tử vong (nhất là trong trường hợp viêm phổi).
TS BS Trần Anh Tuấn
Thầy thuốc Ưu tú – BS Cao cấp
Trưởng khoa Hô hấp – BV Nhi đồng 1
Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam